Vinasat-2 và những kỳ vọng của Tập đoàn BCVT Việt Nam

7/4/2012 2:28:30 PM

5h49’ sáng 16.5, tên lửa Ariane 5 đã hoàn tất quá trình đưa 2 vệ tinh Vinasat-2 của Việt Nam và JCSAT-13 của Nhật Bản lên quỹ đạo, từ bãi phóng Kourou (Guyana). Thêm một lần nữa, Việt Nam khẳng định chủ quyền không gian.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến theo dõi quá trình phóng vệ tinh từ trụ sở của Tập đoàn VNPT (Hà Nội) và chúc mừng sự kiện thành công này.

Bước tiến lớn của viễn thông Việt Nam 

4h30 sáng 16.5, lễ phóng vệ tinh Vinasat-2 qua cầu truyền hình nối trực tiếp từ bãi phóng Kourou tại Guyana (Nam Mỹ) đến trụ sở của VNPT ở Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và giới truyền thông.
 
5h13 phút, động cơ bệ phóng tên lửa đẩy Arian 5 được khởi động để đưa vệ tinh Vinasat-2 lên vũ trụ. 5h13 phút 18 giây, bệ phóng được kích hoạt để đưa tên lửa bay lên bầu trời. Đến 5h15 phút, tên lửa bắt đầu gửi các dữ liệu về Trung tâm Arianspace. 5h17 phút, vệ tinh đã nằm trong vũ trụ. 5h50 phút, vỏ bảo vệ của Vinasat-2 được tách ra, Vinasat-2 chính thức tách ra khỏi tên lửa đẩy để vào vị trí quỹ đạo và hoàn tất quá trình phóng vệ tinh Vinasat-2.
 
Phát biểu tại buổi lễ phóng Vinasat-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, đây là sự kiện đánh dấu bước tiến lớn của ngành viễn thông Việt Nam. Thủ tướng nói: Dự án phóng vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 là các dự án được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Đây là các dự án có ý nghĩa chính trị và kinh tế - xã hội to lớn, thể hiện chủ quyền quốc gia Việt Nam trong không gian, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
 
Chúc mừng việc phóng thành công vệ tinh, Thủ tướng yêu cầu Bộ TTTT và Tập đoàn VNPT khẩn trương đưa Vinasat-2 sớm đi vào hoạt động ổn định, có các giải pháp hữu hiệu để khai thác có hiệu quả vệ tinh và cùng với Vinasat-1 góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng thông tin truyền thông quốc gia, đưa thông tin đến tất cả các vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi và hải đảo, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quốc phòng, an ninh, phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai.
 
Kỳ vọng
 
Đã có một số ý kiến tỏ ra nghi ngại về hiệu quả của dự án này. Đại diện VNPT cho biết, tổng vốn đầu tư cho dự án này là khoảng 280 triệu USD với 80% vốn vay và 20% vốn đối ứng của VNPT. Câu hỏi lớn đặt ra là VNPT sẽ làm thế nào để có thể thu hồi vốn trong khi vệ tinh Vinasat-1 vẫn còn gần 10% dung lượng.
 
Trả lời vấn đề này, ông Hoàng Minh Thống - GĐ Ban quản lý dự án các công trình viễn thông của VNPT cho biết: Vinasat-1 mới được đưa vào khai thác 4 năm, nhưng đến nay đã khai thác hơn 90% dung lượng. Đó chính là thành công và là điều kiện để Chính phủ quyết định cho VNPT đầu tư Vinasat-2. Lãnh đạo tập đoàn này cũng cho biết đã có những tính toán cụ thể và hiện nhiều đối tác đã đàm phán, thiết lập quan hệ thương mại để khai thác Vinasat-2. Với lộ trình này, Vinasat-2 sẽ được thu hồi vốn trong vòng 10 năm, 5 - 6 năm còn lại của tuổi thọ vệ tinh sẽ giúp VNPT có lãi.
 
Đặc biệt ngoài ý nghĩa chính trị là sự khẳng định chủ quyền không gian của Việt Nam, Vinasat-2 khi đi vào hoạt động sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa năng lực hạ tầng mạng viễn thông của Việt Nam. Đồng thời Vinasat-2 sẽ cùng Vinasat-1 tạo thành một hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro lẫn nhau giữa các vệ tinh, góp phần tăng cường độ an toàn cho mạng viễn thông quốc gia Việt Nam.
 
Chất lượng dịch vụ tốt hơn nhờ Vinasat-1
 
VTC quyết định lựa chọn Vinasat-1 vì 2 lý do. Thứ nhất, Vinasat-1 là vệ tinh của Việt Nam. Thứ hai, vệ tinh Vinasat-1 được thiết kế và tính toán sao cho diện phủ sóng và các thông số phù hợp với địa hình và lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, sử dụng vệ tinh Vinasat-1 thì việc truyền dẫn cũng như chất lượng tín hiệu truyền dẫn sẽ được đảm bảo hơn so với các vệ tinh mà không được thiết kế cho Việt Nam.
 
Sau một thời gian sử dụng, chúng tôi đánh giá là chất lượng phủ sóng của Vinasat-1 là khá tốt. Thông qua vệ tinh này, VTC đã triển khai được các dịch vụ truyền hình độ nét cao, truyền hình độ nét tiêu chuẩn, phục vụ cho mục đích truyền dẫn đến các trạm truyền hình mặt đất cũng như phục vụ việc thu trực tiếp của từng hộ gia đình các dịch vụ này.
Ông Lê Văn Khương - Phó TGĐ VTC
 
Cty WebSatMedia đang sử dụng dung lượng từ nhiều vệ tinh khác nhau để đảm bảo vùng phủ rộng khắp, trong đó có Vinasat-1. Thông qua vệ tinh này, WebSatMedia cung cấp băng rộng cho các dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao thông qua vệ tinh; dịch vụ IP VPN cho các khách hàng DN cũng như các ứng dụng khác trên nền băng rộng. Về chất lượng của Vinasat-1, chúng tôi đánh giá là rất tốt. Vệ tinh của các bạn đáp ứng tốt mọi yêu cầu dịch vụ của chúng tôi trong vùng phủ sóng.
 Ông Lim Meng Soon - CEO Cty WebSatMedia
 
Nhờ có Vinasat-1 mà VOH nhanh chóng mở rộng vùng phủ sóng. Thời điểm trước, sóng FM 99,9MHz của VOH từ TPHCM đến Vĩnh Long có hiện tượng khó nghe, thì hiện nay, bằng dịch vụ truyền dẫn của Vinasat-1, VOH đã phủ sóng được toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chất lượng đồng đều với mọi khoảng cách. Cũng nhờ việc phủ sóng này mà số lượng khán giả nghe đài tăng lên đáng kể.
 Ông Nguyễn Trọng Trí - PGĐ phụ trách nội dung của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM - VOH
 
Đài Truyền hình TPHCM (HTV) cũng lựa chọn Vinasat-1 thay cho việc sử dụng vệ tinh nước ngoài. Việc đưa vào sử dụng vệ tinh này đã lấp đầy khoảng cách giữa các vùng miền trong lãnh thổ Việt Nam cũng như giới thiệu hình ảnh đất nước ta ra bạn bè quốc tế. Chất lượng tín hiệu của truyền hình đã được các quá trình truyền dẫn của Vinasat-1 đáp ứng được đầy đủ, tối ưu nhất, hầu như không bị suy giảm chất lượng tín hiệu.
 Ông Nguyễn Quý Hòa - TGĐ Đài Truyền hình TPHCM (HTV)
 
VietsovPetro là một trong những đơn vị đầu tiên sử dụng dịch vụ của Vinasat-1. VietsovPetro đang thuê và sử dụng 40 kênh thoại, 1 kênh truyền số liệu 16Kb và 1 kênh data của Vinasat-1. Thông tin vệ tinh đảm bảo được độ an toàn cao. Năm 2008, cơn bão số 9 đổ bộ vào khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống điện bị mất, thông tin liên lạc ở nhiều khu vực tại TP.Vũng Tàu bị tê liệt, nhưng thông tin giữa biển và bờ của VietsovPetro qua kênh vệ tinh Vinasat-1 vẫn thông suốt.
 Ông Đào Văn Mạnh - Trung tâm CNTT và liên lạc Liên doanh VietsovPetro
 
P.V ghi
 
VN đã hưởng lợi gì từ Vinasat-1?
 
Tiết kiệm chi phí. Khi Việt Nam chưa có vệ tinh Vinasat-1, các cơ quan và DN trong nước đã phải thực hiện thuê 2.024 kênh vệ tinh viễn thông của nước ngoài, với mức phí lên tới 10 triệu USD/năm.
 
Theo tính toán của các chuyên gia viễn thông thì việc Việt Nam có vệ tinh riêng đã giúp các đơn vị trong nước tiết kiệm chi phí thuê kênh, giảm từ 1/3 đến một nửa tùy thuộc vào băng tần sử dụng. Đến nay, 90% dung lượng băng tần vệ tinh Vinasat-1 đã được đưa vào sử dụng. PGĐ Cty viễn thông quốc tế VTI Hồ Công Lâm cho biết, doanh thu dự kiến năm 2012 của Vinasat-1 là 250 tỉ đồng, chưa kể doanh thu từ 30% băng tần dành cho hoạt động của VNPT. Với tuổi thọ thiết kế của vệ tinh Vinasat-1 là 15 năm, thì sau khoảng 10 năm VNPT sẽ thu hồi được vốn đầu tư 3.900 tỉ đồng và có lãi ở những năm tiếp theo.
 
Phủ sóng tới vùng sâu, vùng xa. Đại diện VNPT cho biết, DN này đã ký kết được nhiều hợp đồng với nhiều khách hàng lớn trong và ngoài nước như VTV, VOV, VTC, các Cty dầu khí, Cty viễn thông của Lào, Thái Lan và Singapore. Mới đây, VTC đã ngừng phát sóng trên vệ tinh nước ngoài AsiaSat5 và chuyển toàn bộ các kênh truyền hình vệ tinh về Vinasat-1. Bên cạnh những khách hàng DN, Vinasat-1 còn hoàn tất việc phủ sóng trên toàn quốc và mang thông tin đến những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... nơi mà địa hình khó khăn, phức tạp chưa có cáp truyền dẫn.
Thế Hải
 
 
  
Về vệ tinh Vinasat-2
 
Vinasat-2 có khả năng phủ sóng khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Dung lượng truyền dẫn của Vinasat-2 tương đương 13.000 kênh thoại/Internet/truyền số liệu hoặc khoảng 150 kênh truyền hình và nhiều hơn Vinasat-1 bốn bộ phát đáp, tương đương 20% dung lượng của Vinasat-1. Đây là vệ tinh thứ hai của Việt Nam, có tổng kinh phí khoảng 280 triệu USD và được bảo hiểm lên tới 4.700 tỉ đồng. Dự án Vinasat-2 do Tập đoàn VNPT làm chủ đầu tư, hợp tác với Lockheed Martin (Mỹ) để triển khai.
 
 

 

Theo A.X (Lao động)

Các Tin đã đăng

Hot line 18001166

Yahoo Online: VNPT Quang Binh

Yahoo Online: TTDVKH

Email: 800126quangbinh@vnpt.vn

Ta	i v TeamViewer